1. Sao chép các thương hiệu khác
Những thương hiệu thành công luôn đem lại những bài học đáng để học hỏi, nhưng sao chép toàn bộ các thương hiệu khác là điều không nên.
Sao chép trong xây dựng thương hiệu xảy ra theo hai hướng:
- Sao chép toàn bộ từ một thương hiệu nào đó
- Sao chép từ nhiều thương hiệu khác nhau
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ những thương hiệu khác, kể cả những thương hiệu không cùng ngành hàng. Mối nguy thực sự là sao chép đối thủ một cách mù quáng. Đó là bởi vì bạn không hiểu được những câu chuyện đằng sau thành công đó, đôi khi có thể chỉ đơn thuần là họ may mắn mà thôi.
2. Thiếu tính thống nhất
Xây dựng thương hiệu là một quá trình phức tạp, và dễ mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, một số sai lầm có thể dễ tránh được nếu đội ngũ làm thương hiệu thực sự hiểu rõ thương hiệu của mình và đảm bảo tính nhất quán của các hoạt động. Thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhất quán với ý nghĩa thương hiệu nếu tuyên bố một đằng nhưng lại làm một nẻo.
Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng thương hiệu cũng có thể thiếu nhất quán khi sản phẩm, dịch vụ thực tế khác với những gì thương hiệu truyền tải với người tiêu dùng và đối tác.
Và cuối cùng, sự thiếu nhất quán cũng sẽ xuất hiện theo thời gian. Điều này xảy ra khi có sự thay đổi nhân sự của đội ngũ quản lý thương hiệu hoặc khi họ “thấy chán với công việc hằng ngày” và muốn làm điều gì đó mới mẻ để thu hút người tiêu dùng nhưng lại không có chiến lược hợp lý.
3. Thiếu đầu tư
Mỗi quy trình đều cần đến tiền dù ít hay nhiều. Khi thương hiệu không được đầu tư đủ nhiều, sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng và không thể tránh khỏi.
Người tiêu dùng nghi ngờ giá trị và tính cam kết của thương hiệu. Ví dụ, nếu thiếu đầu tư vào việc sản xuất những ấn phẩm truyền thông thì hình ảnh thương hiệu và sản phẩm sẽ không đủ đẹp và ấn tượng. Làm sao người tiêu dùng biết sản phẩm của thương hiệu sẽ đẹp hơn trong thực tế?
Các đối tác chất lượng sẽ tránh xa bạn. Không có đối tác nào muốn làm việc với một thương hiệu thiếu sự đầu tư cả, trừ khi thương hiệu đề xuất hợp tác với với một hợp đồng béo bở. Nhưng chẳng phải ngân sách của bạn không có nhiều sao?
Một vòng luẩn quẩn. Có thể thương hiệu sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định trong thời gian đầu, nhưng một thương hiệu thiếu sự đầu tư dẫn đến doanh số không cao là điều có thể hình dung được. Khi doanh thu thấp, bạn sẽ không có chi phí để tái đầu tư thương hiệu. Xoay chuyển tình trạng thương hiệu với ngân sách thấp lúc nào cũng khó hơn so với giai đoạn tăng trưởng tốt.
4. Thiếu sự duy trì
Khi thương hiệu đạt vị thế dẫn đầu thị trường hoặc trở thành một trong các thương hiệu phổ biến, liệu bạn có nghĩ việc xây dựng thương hiệu đã hoàn tất.
Các dấu hiệu của việc tin rằng quá trình xây dựng thương hiệu đã hoàn tất là thương hiệu thiếu sự đổi mới trong cả truyền thông lẫn dịch vụ, chuyển sự chú ý của người tiêu dùng sang các hoạt động không chủ lực hay tái sử dụng các ấn phẩm, phương thức truyền thông đã cũ…
Xây dựng thương hiệu là một quá trình không bao giờ ngừng. Mỗi ngày là một cuộc chiến mới, một xu hướng mới, một sở thích mới dẫn dắt người tiêu dùng – chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều kiện để một thương hiệu phát triển mạnh là không bao giờ dậm chân tại chỗ. Việc xây dựng thương hiệu cần lắm những nỗ lực để phát triển thương hiệu ngày một hoàn thiện hơn.
Kết quả cuối cùng rất quan trọng. Nhưng, chỉ khi tập trung vào quá trình, chúng ta mới có thể đạt được kết quả thỏa mãn.
5. Không thích nghi với văn hoá địa phương
Nhiều thương hiệu khi thực hiện xâm nhập thị trường mới thường gặp cản trở về văn hoá. Mỗi đất nước, mỗi địa phương có những phong tục tập quán, thói quen, quan điểm sống… rất khác biệt, đòi hỏi các thương hiệu phải nghiên cứu và lên kế hoạch thực thi kỹ lưỡng, đôi khi là một chút may mắn, mới có thể chinh phục thành công.
Ta có thể nhìn vào trường hợp của McDonald’s. Đến với Việt Nam, McDonald's lên kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng trong vòng 10 năm kể từ năm 2014 nhưng đến năm 2022 mới chỉ ra mắt 25 cửa hàng. Lý do là bởi tốc độ phục vụ của McDonald’s chưa chắc đã nhanh bằng các quán ăn Việt Nam. Hơn nữa ưa menu mức giá khoảng $4-$5 cho một bữa ăn nhanh – khá cao đối với người Việt Nam. Hầu hết các bữa ăn nhanh như bánh mì, phở, khoai tây chiên tại quán ăn địa phương chỉ rơi vào khoảng $1 – $2.
No Comments.